Toshiyuki Kusumoto nộp đơn kiện trường học ở Oita vì áp dụng nội quy khắt khe với con mình, như buộc học sinh để tóc đen, dùng dây giày màu trắng.
Toshiyuki Kusumoto, người bố hai con ở Oita, phía tây Nhật Bản, đã yêu cầu tòa án can thiệp để bảo vệ con trai nhỏ của ông khỏi nội quy trường học mà Kusumoto cho là “vô lý”. Nội quy này bao gồm quy định về độ dài của tóc, cấm buộc tóc đuôi ngựa hoặc thắt bím, cấm đi tất cổ ngắn và dây giày phải màu trắng.
“Những nội quy trường học kiểu này đi ngược lại tôn trọng tự do cá nhân và nhân quyền, vốn được quy định trong hiến pháp”, ông nói.
Cuối tháng này, ông sẽ dự phiên hòa giải giữa tòa án với nhà trường và thành phố, hy vọng giới chức sửa đổi quy định. Nội quy đồng phục đang được thay đổi ở Tokyo, nơi gần đây thông báo những quy định nghiêm khắc như màu tóc của học sinh sẽ được xóa bỏ tại hệ thống trường công lập từ tháng 4.
Nhưng tại nhiều nơi khác, những quy định này vẫn phổ biến và Kusumoto, người từng phải tuân thủ các nguyên tắc khắt khe từ khi còn là một đứa trẻ, hy vọng hành động pháp lý của mình sẽ đem lại thay đổi lớn.
“Tôi làm không chỉ vì con mình, mà còn vì nhiều trẻ em khắp Nhật Bản đang phải chịu những quy định vô lý”, ông nói.
Theo Takashi Otsu, phó giáo sư ngành giáo dục Đại học Nữ sinh Mukogawa, những quy định đồng phục nghiêm ngặt như vậy có từ những năm 1970, được áp dụng khi trẻ bước vào bậc trung học ở độ tuổi 12.
Thời kỳ đó, “tình trạng bạo lực với giáo viên trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, nên trường học phải tìm cách kiểm soát tình hình thông qua quy định”, ông nói.
“Đề ra nội quy là cần thiết với bất kỳ tổ chức nào, bao gồm trường học, nhưng quyết định cần phải được thực hiện minh bạch và lý tưởng nhất là có học sinh cùng tham gia, cho phép các em học cách đưa ra quyết định dân chủ”, Otsu nói.
Các quy định được đề ra giúp đảm bảo trật tự và thống nhất trong lớp học, nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức pháp lý. Năm 2017, một nữ sinh 18 tuổi liên tục bị nhà trường yêu cầu nhuộm mái tóc màu nâu tự nhiên của cô thành màu đen đã khởi kiện ở Osaka, yêu cầu bồi thường 2,2 triệu yen (19.130 USD) vì sang chấn tâm lý.
Vụ kiện gây xôn xao toàn quốc, buộc chính phủ năm ngoái phải chỉ đạo các hội đồng giáo dục xem xét quy tắc của nhà trường có phản ánh “thực tế xung quanh học sinh hay không”.
Tuy nhiên, cả tòa án cấp phúc thẩm và quận Osaka đều ra phán quyết trường học có thể yêu cầu học sinh nhuộm tóc đen “vì mục đích giáo dục”. Luật sư của nữ sinh cho hay cô thường xuyên bị quấy rầy vì vấn đề màu tóc dù đã nhuộm tóc đen theo yêu cầu.
“Quy định này đã hủy hoại cuộc đời một học sinh”, luật sư nói.
Nữ sinh giờ đã 22 tuổi, vẫn không bỏ cuộc và tiếp tục kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn hồi tháng 11 năm ngoái.
Một số dấu hiệu cho thấy các tổ chức và cá nhân đang gây áp lực để thay đổi quy định. Voice Up Japan, nhóm vì quyền lợi của thanh thiếu niên, đã kiến nghị lên Bộ Giáo dục hồi tháng 1 với mong muốn cơ quan này khuyến khích trường học làm việc với học sinh để thảo luận về thay đổi quy định.
“Chúng tôi bắt đầu chiến dịch này vì một số thành viên đã có trải nghiệm không hay với nội quy trường học”, Hatsune Sawada, 16 tuổi, một thành viên của Voice Up Japan, nói.
Kiến nghị nêu ví dụ về một nữ sinh bị giáo viên sỉ nhục vì để mái dài quá lông mày, vi phạm nội quy nhà trường. Tại Oita, nội quy trường học bị chỉ trích là phân biệt giới tính, khi quy định nam sinh phải mặc quần, còn nữ sinh mặc váy.
Hội đồng giáo dục địa phương cho rằng những quy định này “không chỉ nuôi dưỡng ý thức đoàn kết giữa trẻ em mà còn giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình trong mua sắm quần áo”.
Nhưng Kusumoto không đồng ý. “Cảm giác về sự thống nhất không nên áp đặt, mà để nó phát triển tự nhiên”, ông nói. Áp đặt những quy định kiểu này là “công thức sản sinh ra những đứa trẻ lười phản biện”.
Masamitsu hiếm khi du lịch hay đi ăn hàng, mà dành khoản lương khoảng 34.000 USD/năm, chỉ tăng 4 USD/năm trong gần thập kỷ, để chi tiêu trong gia đình.
Hồng Hạnh (Theo AFP)